Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Than bùn lọc nước sinh hoạt


Than hoạt tính sản xuất từ than bùn cho hiệu quả lọc rất cao.
Thực ra để đạt được điều này, cần tiến hành một khâu trung gian quan trọng, đó là biến than bùn thành than hoạt tính, vật liệu hấp thụ "kỳ diệu". Tuy có thể được chế tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng than hoạt tính làm từ than bùn vẫn có hiệu quả lọc nước cao hơn cả, đồng thời, tài nguyên này ở nước ta lại rất dồi dào.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản (Bộ Công nghiệp) cùng Phân viện Phòng hóa vũ khí NBC, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp, nghiên cứu và ứng dụng thành công việc dùng than hoạt tính sản xuất từ than bùn để xử lý nước sinh hoạt. Công nghệ này đã được triển khai thí điểm ở xã Bình Tân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Qua quá trình khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện nguồn nguyên liệu than bùn ở nước ta khá dồi dào, phân bố rộng khắp ở khu vực đồng bằng, trung du, miền núi. Đặc biệt, than bùn U Minh ở đồng bằng sông Cửu Long có trữ lượng rất lớn, chất lượng cao, có khả năng cung cấp nguyên liệu cho các xí nghiệp sản xuất than hoạt tính với công suất hàng vạn tấn một năm hoạt động lâu dài.

Than hoạt tính là loại vật liệu có khả năng hấp thụ đặc biệt, nên được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc ứng dụng để xử lý nước sinh hoạt. Than hoạt tính có nhiều dạng: dạng bột, dạng ép, mảnh, sợi ống... mỗi loại có một chức năng và có khả năng hấp phụ khác nhau. Than hoạt tính có thể sản xuất từ nguồn nguyên liệu khác nhau như than antraxit, than bitum, gáo dừa, gỗ, xương động vật, sản phẩm dầu mỏ...

Tuy nhiên, hiệu quả lọc nước của than hoạt tính chế tạo từ than bùn vẫn cao hơn cả. Nguyên nhân là do dạng than hoạt tính này chứa nhiều lỗ kích thước bé và kích thước lớn, vì vậy, nó có thể hấp phụ các chất hữu cơ phân tử bé cũng như phân tử lớn.

Để có thể xử lý nước sinh hoạt có hiệu quả, phương pháp truyền thống được áp dụng trên thế giới là lắng và lọc. Phương pháp lắng, lọc được cải tiến khi áp dụng công nghệ mới là than hoạt tính dạng hạt và dạng bột đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở phương pháp này, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hai loại thiết bị lọc nước phù hợp với quy mô hộ gia đình và cụm dân cư. Các trang thiết bị rất gọn nhẹ, dễ sử dụng để bảo hành và thay thế.

Quy trình lọc nước bằng than hoạt tính

Loại cho các hộ gia đình: Có công suất nhỏ, 1 m3/ngày, gồm hai bộ phận chính là bể chứa và bình lọc. Những bình lọc 2 lít có thể tiến hành lọc mỗi ngày 10 lần, cần lúc nào xử lý lúc ấy, chỉ cần sau 30 phút là có nước sạch dùng. Nếu dùng bằng thùng nhựa, giá thành mỗi thiết bị như thế khoảng 600 nghìn đồng. Tùy theo mức độ nhiễm bẩn của nước và chất lượng than hoạt tính ở bình lọc mà xác định thời gian tái sinh hay thay thế than hoạt tính.

Loại cho cụm dân cư: Các nhà khoa học dự kiến sẽ thiết kế các trạm nước tập trung có công suất 300 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 3.000 dân, trung bình 100 lít/người/ngày. Hệ thống này sử dụng dễ dàng, theo định kỳ, 2 bình lọc được tháo ra khỏi hệ thống, thay than ở bên trong, đưa than cũ tái sinh vào. Việc tháo lắp và thay than dễ dàng, nhân dân có thể tự làm được.

Trong dây chuyền xử lý này, có một số thiết bị xây dựng tại địa phương, ví dụ bể chứa, lắng trong, các bộ phận còn lại có thể chế tạo tại Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường. Do hoàn toàn thiết kế chế tạo trong nước và sử dụng một số nguyên liệu sẵn có tại địa phương, dự toán kinh phí cho mỗi trạm cấp nước tập trung từ 300 đến 400 triệu đồng, nếu sử dụng vật liệu lắng, lọc là than hoạt tính từ than bùn, giá thành mỗi mét khối nước sạch khoảng từ 2.000 đến 3.000 đồng. Hiện tại, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường đã có xưởng sản xuất quy mô nhỏ, có khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị lọc nước đi kèm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các địa phương có nhu cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét